Chùa Bái Đính – Điểm Đến Tâm Linh đặc biệt du lịch miền Bắc.
Chùa Bái Đính nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An thuộc địa bàn xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách Tp. Ninh Bình khoảng 18 km và cách thủ đô Hà Nội khoảng 100 km. Bái Đính được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, được biết đến với nhiều kỷ lục Châu Á và Việt Nam như: Chùa có tượng Phật giát vàng lớn nhất Châu Á, Hành lang La Hán dài nhất Châu Á, Tháp xá lợi Phật cao nhất Châu Á và Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á...
Núi Bái Đính có từ lâu đời, nó được gắn liền với nhiều giai thoại và huyền thoại về một vị Thiền sư danh tiếng của nước Nam – Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không, ngài chính là người đã đặt nền móng, xây dựng tượng Phật và khai mở miền đất Phật ở nơi đây. Chùa Bái Đính (chùa cổ) có từ năm 1136 do thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập, gồm có các điểm như: Giếng Ngọc, Động thờ Tổ sư, Động thờ Phật, Động thờ Mẫu, Ban thờ Thánh Cao Sơn…
Từ năm 2003, dựa trên nền tảng của ngôi chùa cổ, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã phát tâm đầu tư trùng tu và mở rộng chùa với tổng diện tích hiện nay là hơn 1000 ha. Các công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa (chùa mới) hiện nay gồm: Cổng Tam Quan, Gác Chuông, Điện Quán Thế Âm, Điện Giáo Chủ, Điện Tam Thế, Bảo Tháp và Hành lang La Hán… Ngoài ra, chùa còn nhiều công trình vẫn đang tiếp tục xây dựng như: Công viên Văn hoá Phật giáo, Khu hồ Đàm Thị, Hồ phóng sinh, Công viên cây xanh…
Ngày 23 tháng 6 năm 2014, Quần thể Danh thắng Tràng An (trong đó có chùa Bái Đính) đã được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận là Di sản Thế giới hỗn hợp đầu tiên tại Việt Nam về văn hóa và thiên nhiên.
KHÁI QUÁT LỊCH SỬ HÌNH THÀNH
Cách đây hơn 1000 năm, tại Ninh Bình đã có ba triều đại phong kiến là: Đinh, Tiền Lê và Lý, các triều đại này đều coi đạo Phật là Quốc giáo. Chính vì vậy, nhiều ngôi chùa đã được xây dựng ở Ninh Bình, trong đó có ngôi chùa Bái Đính.
Năm 1136, khi thiền sư Nguyễn Minh Không đi tìm cây thuốc để chữa bệnh “hóa hổ” cho vua Lý Thần Tông, ngài đã phát hiện ra hang động trên núi Đính và chọn nơi đây để xây dựng tượng Phật, làm nơi tu hành.
Năm 968, Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân và lên ngôi hoàng đế, ông đã lên núi Đính – ngọn núi linh thiêng này lập đàn tế trời để cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an và phong hầu bái tướng sĩ. Tiếp đó, Vua Quang Trung cũng đã về đây lập đàn tế cờ động viên quân sĩ trước khi ra Thăng Long đại phá quân Thanh.
Ngày 6 tháng 01 năm (1943 – 1944), đồng chí Trần Tử Bình đã chọn núi Bái Đính làm khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, ông đã kêu gọi toàn dân đứng lên kháng chiến góp phần vào thắng lợi của Cách mạng tháng 8 năm 1945. Vì vậy, người dân nơi đây lấy ngày 6 tháng Giêng hàng năm là ngày lễ hội chùa và đặt tên là chùa Bái Đính. Năm 1997, chùa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cách mạng cấp Quốc gia.
* Bái có nghĩa là cúng bái, bái lạy; Đính có nghĩa là đỉnh. Bái Đính có nghĩa là nơi diễn ra lễ bái ở trên đỉnh cao.
Chùa Bái Đính là 1 trong những điểm quan trọng trong các hành trình tham quan đến Ninh Bình và cũng là điểm đến đặc biệt về tâm linh tại Miền Bắc. Quý du khách cần thông tin tham khảo liên hệ Du Lịch Việt Promotion để có 1 chương trình du lịch ý nghĩa.